5 chiến lược “tối đa hoá” trải nghiệm của người tiêu dùng với thương hiệu
Trong thế giới siêu kết nối ngày nay, việc tạo ra những trải nghiệm thương hiệu không chỉ dừng lại ở một yếu tố bổ sung mà còn là điều cốt yếu để khẳng định và nâng tầm giá trị của thương hiệu.
Khán giả hiện đại, đặc biệt là thế hệ trẻ như Gen Z, không chỉ dừng lại ở sự tương tác thụ động. Họ khao khát những trải nghiệm đắm chìm, chân thực và đáng nhớ. Để chinh phục lòng trung thành từ thế hệ này, các thương hiệu cần mang đến những yếu tố bất ngờ, độc đáo và khó quên.
1. Khai thác những ý tưởng tưởng chừng như không thể
Hành trình để tạo ra những khoảnh khắc khó quên bắt đầu từ việc khám phá những giới hạn tưởng chừng như không thể vượt qua. Theo trang Campaign Asia, để tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ, cần phải thách thức các giới hạn và vượt qua những kỳ vọng thông thường.
Trong đó, Red Bull nổi tiếng với các chiến dịch mạo hiểm cũng đã gây ấn tượng sâu sắc đối với người dùng. Nổi bật là chiến dịch nhảy dù ngoài không gian của thương hiệu từng “gây sốt” vào năm 2012 và đã phá nhiều kỷ lục. Đây cũng là chiến dịch giúp Red Bull định hình phong cách sáng tạo độc đáo và tạo ra nhiều chiến dịch, sự kiện mạo hiểm hơn nữa.
Hay với thương hiệu Samsonite với chiến dịch thả tự do chiếc vali Proxis Global Carry-On Spinner từ vũ trụ với độ cao 39,6 km – gấp ba lần độ cao của các chuyến bay thương mại thông thường. Đáng chú ý, chiếc vali này nặng khoảng 2,1 kg và dù phải chịu những áp lực từ vũ trụ như môi trường chân không hay đáp đất tại một ngọn núi nhưng Vali vẫn có thể chịu được khó khăn này và vẫn bảo toàn nguyên vẹn.
2. Hợp tác ăn ý giữa các bộ phận và giữa nhiều thương hiệu
Để biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, việc hợp tác chặt chẽ từ giai đoạn lên ý tưởng đến triển khai là vô cùng quan trọng. Các thương hiệu cần phải phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận và thậm chí với các đối tác bên ngoài để tạo nên giá trị trải nghiệm toàn diện cho khách hàng.
Đáng chú ý là các thương hiệu đã hợp tác chặt chẽ với nhau như Coca Coca và Oreo với sản phẩm trao đổi hương vị trong chiến dịch “Bestie” hay nhiều thương hiệu lựa chọn việc kết hợp với các thương hiệu hoạt hình để thay đổi bao bì như sự kết hợp của Disney với bánh Solite, các nhân vật nhà Sanrio với thương hiệu mỹ phẩm Romand, Innisfree,…
Sự kết hợp giữa sáng tạo và chiến lược không chỉ giúp tạo ra trải nghiệm mà còn giúp thương hiệu gây được tiếng vang sâu sắc trong lòng khán giả. Việc hợp tác chặt chẽ này còn tạo dựng nền móng cho lòng trung thành lâu dài, đảm bảo rằng mỗi trải nghiệm đều là một phần mở rộng của thương hiệu và kết nối được với khán giả một cách có ý nghĩa.
3. Kể chuyện bằng công nghệ tân tiến
Trong thời đại kỹ thuật số, việc tích hợp công nghệ vào quá trình kể chuyện không chỉ là một xu hướng mà còn là yếu tố cốt lõi để thành công. Từ việc sử dụng tự động hóa đến công nghệ thực tế tăng cường (AR), nhiều thương hiệu tận dụng công nghệ để tạo nên dấu ấn cảm xúc sâu sắc, khiến mỗi câu chuyện thương hiệu không chỉ được kể lại mà còn được khắc ghi lâu dài.
Nổi bật là các thương hiệu mỹ phẩm tận dụng các công nghệ AR để soi da và cho người dùng thử sản phẩm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Thương hiệu thực hiện thành công chiến lược này phải kể đến đó chính là Maybelline của L’Oreal.
Thương hiệu đã triển khai ứng dụng Makeup Genius vào năm 2014, cho phép người dùng thử màu son trực tiếp lên mặt thông qua công nghệ AR. Cho đến hiện tại, khi người dùng mua sản phẩm Maybelline trên sàn thương mại điện tử thì họ sẽ được trải nghiệm tính năng Beauty Cam dùng thử sản phẩm trực tuyến.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu còn triển khai sáng tạo ra các Influencer ảo nhằm có thể tiếp cận gần gũi hơn với người dùng. Trong đó, bao gồm các thương hiệu như Viettel với Đại sứ ảo Vi An được giới thiệu lần đầu tiên vào nửa đầu năm 2024 hay đại sứ ảo Imma của thương hiệu công nghệ vivo.
4. Cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng
Mặc dù công nghệ là công cụ mạnh mẽ, nhưng chính sự cá nhân hóa mới làm cho mỗi tương tác trở nên đáng nhớ và đặc biệt. Có nhiều thương hiệu đã tạo ra những sản phẩm dành riêng cho từng đối tượng khách hàng.
Từ việc khắc tên người dùng lên sản phẩm cho đến việc cho người dùng tự tạo ra sản phẩm cho riêng mình. Các thương hiệu này đã thành công trong việc tạo ra điểm chạm đến người tiêu dùng, đồng thời khiến họ nhớ đến thương hiệu nhiều hơn.
Trong đó, nổi bật là các thương hiệu thuộc ngành hàng ngân hàng, tài chính. Họ đã triển khai các chiến dịch cá nhân hoá dành cho người tiêu dùng như thẻ được thiết kế bằng AI của ngân hàng Quốc tế VIB, hay tạo mã QR bằng AI của ví điện tử MoMo.
Bên cạnh đó, có nhiều thương hiệu mỹ phẩm thực hiện chiến lược cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng bằng cách triển khai dịch vụ khắc tên người dùng lên sản phẩm. Nhằm đem đến trải nghiệm độc quyền cho người dùng.
5. Phát triển thương hiệu qua những trải nghiệm sống động
Cuối cùng, trong một thế giới mà thương hiệu liên tục phát triển, các trải nghiệm sống động đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và lòng trung thành. Khi thương hiệu phát triển, các cách thức để kết nối với khán giả cũng cần phải thích ứng. Thế hệ Gen Z đặc biệt khao khát sự chân thực và các sự kiện trực tiếp là phương tiện lý tưởng để xây dựng niềm tin đó. Khi những khoảnh khắc này được ghi lại và chia sẻ qua mạng xã hội, chúng tạo ra một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ, tự nhiên.
Thông thường, nhiều thương hiệu sẽ thực hiện tổ chức các sự kiện trải nghiệm trực tiếp sản phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị – nơi có nhiều người dùng qua lại. Bên cạnh việc tổ chức các buổi pop-up tại trung tâm thương mại thì nhiều thương hiệu cũng tận dụng cơ hội này để tổ chức các buổi concert kết hợp với việc trải nghiệm sản phẩm cùng tận hưởng âm nhạc để kết nối với người tiêu dùng.
Tạo ra trải nghiệm thương hiệu đáng nhớ đòi hỏi nhiều hơn việc suy nghĩ ngoài khuôn khổ. Đó là một quá trình đầy thử thách bao gồm việc đẩy mạnh giới hạn sáng tạo, hợp tác chặt chẽ với khách hàng và tạo ra các trải nghiệm cá nhân hóa kết hợp công nghệ để gây bất ngờ và làm khán giả hài lòng.
Theo Advertising Vietnam