6 bước đưa website “tiếp cận” khách hàng: Tối ưu hóa SEO, tăng tốc trang, cải thiện khả năng hiển thị

Theo Siteefy, hiện nay trên Internet có đến 1,13 tỷ trang web. Điều này đồng nghĩa với việc có hơn 10.500 website mới được tạo ra mỗi giờ. Với khối lượng trang web “mọc lên như nấm”, các thương hiệu đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc làm nổi bật trang web và thu hút khách hàng. 

Chính vì thế, việc tối ưu hoá và nâng cao thứ hạng tìm kiếm của trang web trên công cụ Google trở nên cấp thiết. Dưới đây là các cách tối ưu hoá trang web được chuyên gia giới thiệu sẽ giúp thương hiệu tiến gần hơn đến với khách hàng tiềm năng. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau! 

Thu hút khách hàng tiềm năng thông qua quy trình tối ưu hoá website 

Để thu hút khách hàng tiềm năng, thương hiệu có thể thực hiện nhiều chiến lược khác nhau. Thế nhưng để gia tăng khả năng chuyển đổi, thương hiệu cần lồng ghép Call To Action (CTA – Kêu gọi hành động) là một thuật ngữ tiếp thị đề cập đến bước tiếp theo mà nhà tiếp thị muốn khán giả hoặc người đọc của mình thực hiện. CTA thường sẽ bao gồm số điện thoại, đường dẫn đến trang web, email,… của thương hiệu – đây được xem như một “biển chỉ dẫn” khi người mua có mong muốn tìm hiểu về sản phẩm/dịch vụ. 

Starbucks thường kêu gọi người dùng tìm hiểu và thưởng thức các món đồ uống của hãng

Chính vì thế, việc tối ưu hoá trang web (Optimize Website) là một trong những nhiệm vụ thương hiệu cần thực hiện nếu muốn nâng cao doanh số bán hàng của mình. Tối ưu hoá trang web một trong những giai đoạn mà thương hiệu cần thực hiện để thu hút các khách hàng tiềm năng. Thương hiệu có thể nâng cấp, sửa chữa cũng như điều chỉnh các tính năng, yếu tố trên trang web của mình để đạt được các yêu cầu của Google. Tối ưu hoá trang web giúp thương hiệu có thể nâng cao thứ hạng tìm trên nền tảng này và giúp tiếp cận hơn với tệp khách hàng mà thương hiệu đang hướng đến. 

Khi tối ưu hoá trang web, thương hiệu có thể mang lại những lợi ích: 

  • Tăng thứ hạng của website trên công cụ tìm kiếm của Google.
  • Tăng độ uy tín và tạo lòng tin cho khách hàng. 
  • Tăng khả năng nhận diện thương hiệu. 
  • Tăng traffic (chỉ số người dùng truy cập và hoạt động trên website) cho website.
  • Giảm bớt chi phí chạy quảng cáo và phí đầu tư dịch vụ marketing.

Các bước cải thiện trang web mà thương hiệu cần biết

Để có thể đạt được những lợi ích trên, thương hiệu có thể tham khảo các cách “nhỏ nhưng có võ” dưới đây để giúp trang web của mình tiếp cận gần hơn với khách hàng tiềm năng.

1. Tìm hiểu đâu là “mảnh đất màu mỡ” để quảng bá trang web 

Trước tiên, thương hiệu cần kiểm tra lượng truy cập trực tuyến của khách hàng nhiều nhất diễn ra ở đâu. Dưới đây là một số phương thức phổ biến mà thương hiệu có thể khảo sát: 

  • Email: Lượng truy cập có thể đến từ thư điện tử thông qua hình thức Email Marketing (tạm dịch: Tiếp thị qua Email) mà thương hiệu vẫn thường sử dụng như một cách quảng bá sản phẩm/dịch vụ của họ đến với khách hàng. 
  • Phương tiện truyền thông xã hội: Trong thời kỳ Internet bùng nổ, lưu lượng truy cập từ các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube,… trang mạng cũng là nơi mà thương hiệu cần lưu tâm. 
  • Bài đăng trên blog: Qua các bài blog đăng tải trên website, thương hiệu sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho người dùng, từ đó khiến họ tin tưởng và quan tâm đến thương hiệu

H&M cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động, sự kiện của thương hiệu trên website

Sau khi xác định được khách hàng tiềm năng đến từ đâu, tiếp đến thương hiệu hãy tích cực quảng bá và thúc đẩy tần suất trang web được tiếp cận đến khách hàng. Ví dụ: Thông qua các công cụ phân tích, thương hiệu nhận thấy hầu hết khách hàng tiềm năng thường sẽ truy cập vào trang web thông qua Facebook. Như vậy, thương hiệu cần liên tục cập nhật những nội dung trên nền tảng này để quảng bá trang web của mình. 

2. Định hình “sở thích” khách hàng

Sau khi tìm hiểu được nền tảng thích hợp để quảng bá trang web, các thương hiệu cần “phác thảo” hành trình mua sắm của khách hàng và thay đổi trang web của mình sao cho phù hợp với nhu cầu của họ. Trong từng giai đoạn, khách hàng sẽ có “sở thích” khác nhau. Chính vì thế, thương hiệu cần tích cực cập nhật “gu” của khách hàng để kịp thời điều chỉnh trang web sao cho phù hợp với nhu cầu của họ, qua đó gia tăng lượng truy cập. 

3. Tạo trải nghiệm di động “liền mạch”

Một sai lầm thường thấy là các thương hiệu chỉ chú trọng chăm chút cho giao diện trang web trên máy tính. Thế nhưng thương hiệu cũng cần lưu tâm cho giao diện trên điện thoại. Điều này giúp cho khách hàng có thể trải nghiệm trang web tốt nhất ở trên cả hai phương tiện là máy tính và điện thoại. Để tối ưu hoá trang web trên thiết bị di động, thương hiệu có thể: 

  • Thiết kế mục lục/danh sách nhỏ gọn 
  • Hạn chế cửa sổ bật lên hoặc quảng cáo 
  • Làm cho hộp tìm kiếm hoặc các biểu tượng dễ tìm kiếm 
  • Cung cấp các bộ lọc và tùy chọn sắp xếp
  • Đặt CTA xuất hiện nổi bật 

Agency Mindshare thiết kế thanh công cụ nhỏ gọn

4. Tối ưu hóa trang web bằng SEO

SEO (Search Engine Optimization) có nghĩa là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Đây là quy trình giúp doanh nghiệp tăng chất lượng, lưu lượng truy cập cho website của mình bằng cách tối ưu hoá, nâng cao thứ hạng và khả năng hiển thị của trang web trên các công cụ tìm kiếm. Những phương thức giúp thương hiệu có thể tối ưu SEO trên Google:

  • Tìm từ khoá: Chọn từ khóa phù hợp với thị trường mục tiêu của thương hiệu chính là bước đầu tiên trong việc tối ưu hoá trang web bằng SEO. Tuy nhiên, khi lựa chọn, cân nhắc từ khoá, thương hiệu cũng nên dung hoà giữa “sở thích mua sắm của khách hàng” và “sản phẩm/dịch vụ thương hiệu đang bán” để chọn ra từ khoá phù hợp nhất. 
  • Xây dựng backlink: Backlink là hoạt động đặt liên kết website chính của thương heijeu tại một website khác để đạt thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm.
  • Tối ưu hóa nội dung: Khi tìm kiếm được từ khoá phù hợp, thương hiệu cần tức tốc triển khai nội dung đánh mạnh vào thị trường mục tiêu của mình. Các nội dung cần sử dụng và lặp đi lặp lại từ khoá để gia tăng thứ hạng tìm kiếm của thương hiệu trên Google. Ngoài ra, thương hiệu có thể tham khảo cách tối ưu hoá nội dung như: thêm tiêu đề trang dựa trên từ khoá, tích hợp từ khoá liên quan, thêm hình ảnh,… 

5. Tăng tốc trang web 

Tốc độ trang web là một yếu tố quan trọng quyết định trải nghiệm người dùng. Đó là lý do mà thương hiệu cần chú trọng tốc độ truy cập hoặc tốc độ tương tác của trang web trên mọi thiết bị bao gồm máy tính và điện thoại di động, qua đó mang lại kết quả trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Năm 2018, Google thông báo sẽ gia tăng thứ hạng cho các trang web có tốc độ nhanh. Một số cách thương hiệu có thể sử dụng để giúp trang web trở nên “mượt mà” hơn: 

  • Sử dụng CDN: Mạng phân phối nội dung (CDN) là một mạng lưới gồm các máy chủ được kết nối với nhau giúp tăng tốc độ tải trang web cho các ứng dụng tiêu tốn nhiều dữ liệu. 
  • G
  • iảm
  • chuyển hướng: Chuyển hướng (redirect) là một trong những phương pháp chuyển từ URL (Uniform Resource Locator – tạm dịch: Trình định vị tài nguyên thống nhất) này sang URL khác. Mỗi website có địa chỉ IP riêng. Địa chỉ IP sẽ là một dãy số dài, phức tạp và khó nhớ. Để thuận tiện cho người truy cập, địa chỉ IP này được chuyển sang ngôn ngữ mà con người có thể dễ nhớ còn được gọi là URL. Google khuyến cáo các thương hiệu nên giảm chuyển hướng để trang web được tối ưu hoá hơn.

Thương hiệu có thể tham khảo GTmetrix, một nền tảng giúp kiểm tra tốc độ hiện tại của trang web mình nằm ở mức nào 

6. Xem lại hành vi người dùng hiện tại

Thị trường biến động nên nhu cầu, mục đích sử dụng của khách hàng cũng biến động. Vì vậy, để “giữ chân” khách hàng và thúc đẩy khách hàng quay trở lại trang web, thương hiệu cần liên tục điều chỉnh và khắc phục các lỗi trên trang web của mình. 

Thương hiệu có thể cải thiện trải nghiệm cho người dùng trang web của mình bằng cách khảo sát các vấn đề sau: 

  • Tìm hiểu các trang web hoặc nền tảng mà khách hàng có xu hướng truy cập nhiều nhất. 
  • Sử dụng các công cụ như Google Analytics hoặc Search Console để theo dõi số lần click, cuộn, truy cập của khách hàng. Những thay đổi nhỏ trong hành vi khách hàng có thể ảnh hưởng đến trang web của thương hiệu. Chính vì thế, việc tích cực theo dõi và điều chỉnh sẽ giúp hành trình tối ưu hoá trang web trở nên “tối ưu” hơn.

Theo Advertising Vietnam