Phân bổ ngân sách Influencer Marketing – Chia bao nhiêu, cho nhóm nào?
Phân bổ ngân sách đúng cho từng nhóm Influencer là yếu tố then chốt để Influencer Marketing hiệu quả và có lời. Vấn đề không nằm ở việc “dùng ai”, mà nằm ở: Mục tiêu chiến dịch là gì? Tệp khách hàng ra sao? Giai đoạn phễu nào? Và dữ liệu lịch sử cho thấy điều gì?
Các nhóm Influencer phổ biến
Influencer thường được phân thành 5 nhóm:
- Nano-influencer (dưới 10.000 followers): Rất gần gũi, tỷ lệ tương tác cao, chi phí cực thấp.
- Micro-influencer (10.000-100.000 followers): Có uy tín trong các lĩnh vực ngách, CPM tốt, được cộng đồng tin tưởng.
- Mid-tier influencer (100.000-500.000 followers): Độ phủ đã khá lớn, vẫn giữ được kết nối cá nhân với người theo dõi.
- Macro-influencer (500.000-1 triệu followers): Sức ảnh hưởng rộng, nhưng tương tác thường giảm so với nhóm nhỏ hơn.
- Mega-influencer / Celebrities (trên 1 triệu followers): Phù hợp tạo tiếng vang lớn, nhưng chi phí cao và thường không hiệu quả trong việc chuyển đổi.
5 nhóm Influencer phân theo lượng người theo dõi. Nguồn: REVU
Phân bổ ngân sách theo từng mục tiêu
Khi mục tiêu là Awareness (tăng nhận diện thương hiệu)
- Tập trung ngân sách vào Mega/Celebrity (40-50%), kết hợp với Macro (20-30%) để tạo độ phủ lớn.
- Dùng thêm Mid và Micro để bổ trợ nội dung đa dạng, tăng cảm giác “nhiều người cùng nói đến”.
- Nano chỉ nên chiếm dưới 10% để giữ tính tự nhiên.
Ví dụ thực tế: Một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc khi ra mắt tại Việt Nam đã dùng 1 KOL hạng A (phí 200 triệu/post), kết hợp 10 Beauty Micro-influencers (15–25 triệu/người), tạo hiệu ứng “bùng nổ”: tổng reach 15 triệu chỉ trong 3 ngày, tăng 20% tìm kiếm thương hiệu.
Phân bổ ngân sách Influencer Marketing cho mục tiêu nhận biết. Nguồn: REVU
Khi mục tiêu là Consideration (tăng độ tin tưởng, thúc đẩy cân nhắc mua)
- Micro-influencer nên chiếm 40% ngân sách, vì họ có độ trust cao và nội dung chuyên sâu.
- Mid-tier chiếm khoảng 30%, đóng vai trò dẫn dắt các nội dung đánh giá sản phẩm có chiều sâu.
- Macro chỉ nên dùng 15%, còn lại 15% dành cho nano để tạo sự lan tỏa “trải nghiệm thật”.
Gợi ý chiến thuật: Chạy thử thách “dùng thật – review thật” với Micro + Nano → Tạo niềm tin thực tế, sau đó tái khai thác Content qua Ads (retargeting) để tăng hiệu quả giai đoạn Consideration.
Phân bổ ngân sách Influencer Marketing cho mục tiêu cân nhắc. Nguồn: REVU
Khi mục tiêu là Conversion (đẩy đơn hàng, đăng ký, cài app…)
- Micro-influencer nên chiếm tới 50% ngân sách, vì họ là nhóm “chốt đơn” tốt nhất.
- Nano chiếm 30% để tạo hiệu ứng “người thật – việc thật – đã dùng và mua”.
- Mid-tier chỉ cần khoảng 15%, Macro và Mega gần như không cần (chỉ 5% hoặc bỏ hẳn).
Phân bổ ngân sách Influencer Marketing cho mục tiêu chuyển đổi. Nguồn: REVU
Ví dụ thực tế: Một local brand thời trang đã chạy test:
- 1 KOL 300K followers, giá 50 triệu → mang lại 20 đơn hàng.
- 10 Nano-influencers (~5K followers/người), tổng chi 10 triệu → mang lại 120 đơn hàng.
- Kết quả: CPM thấp hơn 5 lần, tỉ lệ chuyển đổi cao hơn 3 lần.
Gợi ý phân bổ ngân sách thực tế (ví dụ ngân sách 200 triệu)
- Trường hợp 1: Ra mắt sản phẩm mới, cần nhận diện và độ tin tưởng
- 1 Macro-influencer: Chi 60 triệu → vai trò tạo tiếng vang.
- 5 Micro-influencers: Mỗi người 10 triệu → chia sẻ trải nghiệm thật.
- 10 Nano-influencers: Mỗi người 2 triệu → lan tỏa chân thực.
- 40 triệu cho quảng cáo lại (tăng cường những nội dung hiệu quả).
- 30 triệu còn lại dành cho chi phí sản xuất, quản lý, và dự phòng.
- Trường hợp 2: Đẩy doanh số cho sản phẩm có sẵn
- 1 Mid-tier influencer: Chi 20 triệu → làm video review chuyên sâu.
- 10 Micro-influencers: Mỗi người 8 triệu → tập trung review có link mua.
- 20 Nano-influencers: Mỗi người 1,5 triệu → lan tỏa cộng đồng nhỏ.
- 40 triệu đẩy mạnh những nội dung có tỷ lệ chuyển đổi cao.
- 30 triệu còn lại cho chiết khấu, Tracking, hoặc Affiliate Bonus.
Nguyên tắc “True Win” khi phân bổ ngân sách
- Đừng mua follow – hãy đầu tư vào niềm tin và tỷ lệ tương tác.
- Luôn gắn phân bổ ngân sách với từng giai đoạn trong phễu bán hàng.
- Tối ưu vòng đời nội dung: Dành ít nhất 20-30% ngân sách để chạy lại những nội dung tốt.
- Test – Đo – Scale: Luôn chạy nhiều nhóm nhỏ, đo hiệu quả riêng, và chỉ “scale” cái gì thực sự tốt.